Tin tức

Phát triển tài chính vi mô tại Việt Nam: Bước tiến trong hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Tài chính vi mô là việc cung cấp các dịch vụ tài chính, bao gồm các khoản tín dụng vi mô, tiết kiệm, bảo hiểm tới người nghèo, các hộ gia đình có thu nhập thấp, những đối tượng có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm tài chính nhưng khó tiếp cận các tổ chức tài chính như ngân hàng, định chế tài chính. Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng thực hiện một số hoạt động nghiệp vụ như ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ.

Xây dựng hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam

Trên cơ sở vai trò quan trọng của tài chính vi mô đối với phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011. Trong đó, giai đoạn 1 (2011 – 2015) tập trung vào mục tiêu: (i) Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động tài chính vi mô; (ii) Tăng cường các giải pháp quản lý đối với hoạt động tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức phi chính phủ; (iii) Tăng cường năng lực hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô về nhân sự, cơ sở dữ liệu chung. Giai đoạn 2 (2016 – 2020) thực hiện các mục tiêu: (i) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phép đa dạng hóa loại hình tổ chức hoạt động và mở rộng sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô; (ii) Tạo điều kiện liên kết hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng với hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô. Ngày 30/3/2012, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành theo Quyết định số 572/QĐ-NHNN.

Trong giai đoạn 1 thực hiện Đề án, tài chính vi mô đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thông qua hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện và phù hợp. Cuối năm 2015, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô chủ yếu trên thị trường gồm Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ Tín dụng nhân dân, với khoảng 50 chương trình/dự án bán chính thức và hơn 250 dự án tài chính vi mô nhỏ khác. Đến đầu năm 2017, có 5 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép, trong khi địa bàn hoạt động cho các tổ chức này tại Việt Nam tương đối rộng. Các tổ chức tài chính vi mô chủ yếu thuộc sở hữu hoặc được hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể, quỹ xã hội của chính quyền địa phương và các nhà tài trợ. Trên thị trường, Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm khoảng 71% thị phần, tương đương khoảng 6,9 triệu khách hàng và 70% dư nợ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 1 và đầu giai đoạn 2 thực hiện Đề án, việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động tài chính vi mô, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đánh giá của bà Lê Thị Lân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng (CFRC), số lượng các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam thấp do những hạn chế về nguồn vốn hoạt động, khung pháp lý chưa phù hợp, trong khi hầu hết các điều kiện pháp lý vẫn mang đặc thù điều chỉnh cho ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính vi mô có các đặc điểm riêng biệt, đòi hỏi các điều khoản, nguyên tắc riêng dành cho lĩnh vực này.

Ba khu vực hoạt động chính thức, bán chính thức và phi chính thức của tài chính vi mô đang hoạt động theo những khung pháp lý riêng biệt, với những quy định và ưu đãi khác nhau. Hạn chế pháp lý này đã gián tiếp tạo ra môi trường hoạt động kinh doanh không bình đẳng giữa các tổ chức trong lĩnh vực tài chính vi mô. Bên cạnh đó, một số chính sách đã trở thành rào cản cho phát triển hoạt động tài chính vi mô, hạn chế việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Quy định về khung pháp lý trong hoạt động nhận tiền gửi tác động đến khả năng huy động vốn của các tổ chức tài chính vi mô, do về mặt pháp lý, chỉ có các tổ chức chính thức được phép huy động tiền gửi tiết kiệm tự nguyện, các tổ chức bán chính thức và phi chính thức bị hạn chế trong hoạt động này. Do đó, nguồn vốn tiền gửi của các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 30%), trong khi tại các ngân hàng thương mại, vốn tiền gửi chiếm khoảng 70% tổng nguồn vốn. Hiện nay, nguồn vốn chủ yếu của các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam là từ các khoản vay, tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, hoặc các dự án, chương trình phát triển của địa phương và nước ngoài.

Từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Cuối tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức phi chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2017. Đây có thể xem là một trong các hoạt động nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cho phép đa dạng hóa loại hình tổ chức hoạt động và mở rộng sản phẩm tài chính vi mô trong giai đoạn 2 của Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020.

Hình thức huy động vốn cho các chương trình, dự án tài chính vi mô đa dạng và phong phú hơn, bao gồm cả nhận tiền gửi tiết kiệm bắt buộc, tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, bên cạnh các hình thức truyền thống trước đây.

Quyết định số 20 quy định rõ mức tổng tiền gửi tiết kiệm tự nguyện không vượt quá 30% tổng vốn được cấp của chương trình, dự án tài chính vi mô và mức vay tối đa đối với một khách hàng tài chính vi mô không vượt quá 50 triệu đồng. Đồng thời, các quy định về tính tự chủ và chịu trách nhiệm cho vay, quy định về năng lực của khách hàng tài chính vi mô góp phần đảm bảo mục đích và hiệu quả sử dụng của các nguồn vốn vay.

Các quy định về hoạt động dịch vụ được phép cung cấp bởi chương trình, dự án tài chính vi mô cụ thể và đa dạng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển loại hình dịch vụ này. Theo Quyết định, các chương trình, dự án tài chính vi mô được phép: (i) Nhận ủy thác để cho vay đối với khách hàng tài chính vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận; (ii) Mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại; (iii) Đại lý cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đối với khách hàng tài chính vi mô theo quy định của pháp luật; (iv) Tư vấn, hỗ trợ, đào tạo cho các khách hàng tài chính vi mô những kiến thức liên quan đến sử dụng vốn vay, sản xuất – kinh doanh, đời sống, xã hội, môi trường và các kiến thức khác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, đời sống vật chất, tinh thần của khách hàng.

Việc cho phép chuyển đổi từ các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước thành tổ chức tài chính vi mô trong một số trường hợp tự nguyện có tổng tài sản từ 75 tỷ đồng trở lên và có tổng dư nợ cho vay đối với khách hàng tài chính vi mô từ 50 tỷ đồng trở lên, góp phần khuyến khích gia tăng số lượng các tổ chức tài chính vi mô, đa dạng hóa thành phần tham gia thị trường.

Trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, có thể vận dụng các bài học, kinh nghiệm thế giới tại các nước có ngành tài chính vi mô phát triển như Indonesia, Philippines. Bên cạnh đó, việc tăng cường các chính sách tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thị trường về tài chính vi mô, nâng cao năng lực, đầu tư công nghệ, nhân sự, tạo thuận lợi cho công tác huy động tiết kiệm của các tổ chức tài chính vi mô cũng cần được hoàn thiện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *